Archive

Archive for March, 2018

CÁCH PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN THƠ LỚP 9

CÁCH PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN THƠ LỚP 9
* Mở: Giới thiệu tác giả => Tên tác phẩm => Đoạn cần cảm nhận => Khái quát nội dung
* Thân:
B1. Nêu luận điểm chính (gọi tên luận điểm/ ý chính bằng 1 câu văn)
B2. Đưa dẫn chứng ra phân tích: miêu tả hình ảnh thơ/ diễn đoạn thơ đó thành văn xuôi
B3. Chỉ ra đã dùng biện pháp nghệ thuật gì => thể hiện qua những từ ngữ nào => tác dụng của nó
B4. So sánh với đoạn thơ của tác phẩm khác để nâng cao, mở rộng (bước này khó, nhưng nếu làm được sẽ làm bài viết thêm sâu sắc)
* Kết
– Đánh giá thành công của đoạn thơ
– Liên hệ bản thân
…..
Đề 1: Cảm nhận đoạn thơ đầu của bài Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận)
“Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khoắn của Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt là ở khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên và đoàn thuyền ra khơi mang một vẻ đẹp kì vĩ, hùng tráng.
Trước hết, cảnh biển vào đêm được tác giả miêu tả rất đặc sắc:
“Mặt trời xuống biển….lại ra khơi”
Mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống mặt biển. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ và những lượn sóng là chiếc then cài vững chắc. Hình ảnh so sánh kết hợp nhân hóa, mang đậm chất lãng mạn vừa tạo nên vẻ đẹp huyền ảo cho bức tranh thiên nhiên vừa mở ra thời gian cho bức tranh lao động biển cả, đó chính là lúc màn đêm buông xuống – kết thúc một ngày.
Chính vào thời điểm thiên nhiên bắt đầu trạng thái nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu quá trình lao động của mình:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khoi”
Đoàn thuyền chứ không phải chỉ con thuyền ra khơi đã tạo ra sự tấp nập trên biển, gây ấn tượng về một khối lao động đoàn kết vững chãi của con người. Chữ “lại” vừa khẳng định nhịp điệu lao động ổn định của người dân chài ngày qua ngày, vừa thể hiện sự đối lập giữa sự nghỉ ngơi của đất trời và sự lao động của con người. Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà vẫn đậm chất hiện thực. Người đánh cá căng buồm và cất câu hát lên, thế nhưng nhà thơ có cảm giác như chính câu hát đó đã làm căng cánh buồm. Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn của người lao động trở thành sức mạnh cùng với gió biển làm căng cánh buồm để con thuyền lướt sóng ra khơi. Nghệ thuật ẩn dụ trong hình ảnh thơ lãng mạn này đã góp phần thể hiện một hiện thực. Đó là tâm trạng nao nức, niềm vui phơi phới, tinh thần lạc quan của người dân chài khi ra khơi. Họ ra khơi trong tâm trạng đầy hứng khởi…
Hình ảnh người lao động mới là đề tài quen thuộc của nền văn học hiện đại. Ta đã từng thấy hình ảnh của một anh thanh niên làm công tác khí tượng kiên trì, lặng lẽ trên đỉnh Yên Sơn trong “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long; hay một khát vọng cống hiến nhỏ bé trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Mỗi nhân vật tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh, nhưng họ có chung với nhau tinh thần cống hiến lặng thầm cho Tổ quốc. Đó chính là vẻ đẹp giản dị nhưng rất cao quý của người lao động trong thời đại mới.
……..
Đề 2 : Cảm nhận về 7 câu thơ đầu của bài “Đồng chí” – Chính Hữu.
Mở: Chính Hữu là nhà thơ quân đội > Bài thơ Đồng chí là tác phẩm nổi bật > Bảy câu thơ đầu
Thân:
a. Ý 1: Các anh đều có chung cảnh ngộ xuất thân.
– Gọi tên luận điểm: Mở đầu bài thơ là lời tâm sự của các anh bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp về cảnh ngộ xuất thân.
– Miêu tả bằng văn xuôi: Bằng cách sử dụng những thành ngữ quen thuộc “nước mặn đồng chua, đất cày sỏi đá”, tác giả đã miêu tả xuất thân của mỗi người lính. Quê hương “anh” là vùng ven biển, nước mặn, đồng chua còn làng “tôi”thì ở vùng đồi núi trung du, đất cày lên sỏi đá. Tuy khác nhau về vùng miền, nhưng các anh đều chung cảnh ngộ quê nghèo, các anh đều là những nông dân chân lấm tay bùn đáp lại tiếng gọi non sông, ra đi và tham gia kháng chiến.
– Gọi tên: Với những mục đích, lí tưởng chung nên các anh đã trở thành đồng chí, tri kỉ
– Miêu tả: Chính nơi bom đạn hiểm nguy này họ đã gặp nhau, tìm thấy điểm chung trong lý tưởng: “Súng bên súng đầu sát bên đầu”. Đây là một câu thơ đa nghĩa, giàu sức gợi. Hình ảnh “súng bên súng” vừa diễn tả hình ảnh đứng gác cạnh nhau, nhưng cũng ngầm ý nói họ có chung kẻ thù, chung hướng bắn. “Đầu sát bên đầu” vừa diễn tả hình ảnh thực của hai người lính sát vai nhau, nhưng cũng vừa là hình ảnh ẩn dụ khẳng định họ có chung lý tưởng, chung ý chí. Và cùng sống trong một gia đình người lính, cùng san sẻ mọi điều, họ trở nên bạn bè, trở nên tri kỉ: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Kết thúc khổ thơ là một câu thơ đột ngột, gieo vào giữa lòng bài thơ…
*Liên hệ mở rộng: So sánh, liên hệ với “Bài thơ về tiẻu đội xe không kính”
Tình đồng chí đồng đội là một đề tài lớn của văn học kháng chiến. Ta cũng đã thấy tình cảm cao đẹp này được miêu tả như tình cảm gia đình trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Hay là tình chị em thắm thiết của những cô gái thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi”. Dù biểu hiện đa dạng như thế nào, thì chính tình đồng chí ấy đã tiếp thêm động lực để con người vươn lên chiến thắng hoàn cảnh khó khăn thử thách, để chính họ là những người đã làm nên chiến thắng của dân tộc.
….
Đề 3: Phân tích đoạn thơ cuối của bài thơ Đồng chí – Chính Hữu
Vẻ đẹp của người lính tỏa sáng nhất khi họ đang thực thi nhiệm vụ. Đêm nay, những người đồng chí đứng bên nhau canh gác giữa đất trời quê hương:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Bất kể đêm lạnh, bất kể thiếu thốn vật chất, bất kể bệnh tật, họ vẫn kiên cường làm tròn bổn phận người lính của mình. Họ đã trở thành đồng chí, nghĩa là luôn sát cánh bên nhau trong mọi hiểm nguy. Động từ “chờ” thể hiện sự hiên ngang dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù. Dưới ánh trăng đêm, hình ảnh người lính đứng gác bên nhau đẹp đẽ như những bức tượng đài kiêu hùng giữa quê hương.
Ba câu thơ phác ra một bức tranh vừa mang chất chân thực của bút pháp hiện thực, vừa thấm đẫm cái bay bổng của bút pháp lãng mạn. Giữa cái tê buốt giá rét luồn vào da thịt, cái căng thẳng của trận đánh sắp tới, trên sắc xám lạnh của nền cảnh đêm rừng hoang sương muối, hiện lên hình ảnh người lính – khẩu súng – vầng trăng. Dưới cái nhìn của người trong cuộc, người trực tiếp đang cầm súng, trong một sự kết hợp bất ngờ, đầu súng và vầng trăng như không còn khoảng cách xa về không gian, để thành: “Đầu súng trăng treo”. Hình ảnh súng tượng trưng cho hành động chiến đấu, tinh thần quyết chiến vì đất nước. Trăng tượng trưng cho cái đẹp yên bình, thơ mộng. Hai hình ảnh tương phản sóng đôi với nhau tạo nên biểu tượng về tinh thần, ý chí sắt đá mà bay bổng, trữ tình của người lính: quyết chiến đấu để thống nhất non sông, đem lại cuộc sống bình yên cho nước nhà.
THẦY KHÔI DẠY VĂN
CẤP TỐC VĂN 9: 18h–21h thứ 2, bắt đầu ngày 12/3/2018
Liên hệ đăng kí: 0984346280 (Thầy Khôi)

Categories: Luyện thi Văn 9