Archive

Archive for November, 2017

Phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Đề: Phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm rõ bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du
I. Mở bài:
[như đề trên] Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã chứng tỏ điều đó, đặc biệt là ở 8 câu thơ cuối: [trích thơ]
II.Thân bài:
1. Tổng:
– Vị trí đoạn trích: Gia đình bị vu oan, bị lừa, bị làm nhục và bị đẩy vào lầu xanh, Kiều rút dao tự vẫn nhưng không chết. Tú Bà đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích để thực hiện một âm mưu mới. Với tâm trạng bẽ bàng, Kiều nhớ tới người yêu, nhớ cha mẹ và quay lại tự đối thoại với lòng mình. Nguyễn Du đã chọn cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”. Mỗi cảnh vật đều làm rõ một nét tâm trạng của Kiều.
– Giải thích thế nào là bút pháp tả cảnh, ngụ tình. Giới thiệu đôi nét về nghệ thuật này trong “Truyện Kiều”.
– Tám câu cuối: bức tranh tâm trạng của Thuý Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
2. Phân
-Một loạt các từ láy, các hình ảnh ẩn dụ, các câu hỏi tu từ, điệp ngữ “buồn trông” đã góp phần thể hiện rõ tâm trạng Thuý Kiều. Cảnh và tình uốn lượn song song. Ngoại cảnh cũng chính là tâm cảnh. Đúng như Nguyễn Du từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
a. Luận điểm 1: Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa?
– Một không gian mênh mông cửa bể chiều hôm gợi nỗi buồn mênh mông như trời biển. Hình ảnh con thuyền và cánh buồm thấp thoáng, biến mất trong hoàng hôn biển gợinỗi cô đơn, lạc lõng bơ vơ, gợi hành trình lưu lạc. Cảnh tha hương gợi nỗi nhớ gia đình, quê hương và khát khao sum họp đến nao lòng.
b. Luận điểm 2: Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nhìn cảnh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa, Kiều buồn và liên tưởng tới thân phận mình cũng như cánh hoa lìa cội, lìa cành bị ném vào dòng đời đục ngầu thác lũ. Hình ảnh “hoa trôi” gợi kiếp người trôi nổi, bập bềnh, lênh đênh, vô định và một tâm trạng lo lắng sợ hãi cho tương lai vô định của mình.
c. Luận điểm 3: Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Nhìn cảnh nội cỏ nhạt nhoà, mênh mông “rầu rầu”: màu của sự úa tàn, thê lương ảm đạm (giống màu cỏ ở nấm mộ Đạm Tiên “dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”, khác màu cỏ trong tiết thanh minh), Kiều có tâm trạng mệt mỏi chán chường, tuyệt vọng và cuộc sống vô vị, tẻ nhạt, cô quạnhvới một tương lai mờ mịt, hãi hùng.
d. Luận điểm 4: Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiêng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Khép lại đoạn thơ lã những âm thanh dữ dội “gió cuốn, sóng kêu” như báo trước những dông tố của cuộc đời sắp ập xuống cuộc đời Kiều. Nàng hốt hoảng, kinh hoàng- chới với như sắp bị rơi xuống vực thẳm sâu của định mệnh.
3. Hợp: Đánh giá chung về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình
Có thể nói, thiên nhiên chân thực, sinh động nhưng ũng rất ảo. Đó là thiên nhiên được nhìn qua tâm trạng – được nhìn từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn tả nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, hãi hùng, dồn đến cơn bão táp của nội tâm, cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Toàn là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự dạt trôi, bế tắc, sự chao đảo nghiêng đổ dữ dội. Lúc này, Kiều trở nên tuyệtvọng, yếu đuối nhất, vì thế nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời ô nhục. Bốn câu thơ lục bát được liên kết bởi điệp ngữ “buồn trông” nghĩa là buồn mà nhìn xa, mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làmthay đổi hiện tại, nhưng trông mà vô vọng. “Buồn trông” có cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ cuốn hút tầm nhìn, có cả sự dự cảm hãi hùng của người con gái lần đầu lạc bước giữa cuộc đời ngang ngửa. Điệp ngữ kết hợp với các hình ảnh ẩn dụ đứng sau, câu hỏi tu từ cùng các từ láy “thấp thoáng”,”xa xa”,”rầu rầu”,”ầm ầm” đã diễn tả nỗi buồn nhiều bề trong Kiều với nhiều sắc độ khác nhau, trào dâng lớp lớp như những con sóng lòng. Tất cả tạo nên âm hưởng trầm buồn, trở thành điệp khúc đoạn thơ, cũng là điệp khúc của tâm trạng.
III. Kết bài:
-Ngòi bút của Nguyễn Du hết sức tinh tế khi tả cảnh cũng như khi ngụ tình. Mỗi cảnh thiên nhiên trong đoạn đã diễn tả một sắc thái tình cảm khác nhau của Kiều. Tám câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầuNgưng Bích” tạo thành bức tranh tứ bình của tâm trạng, có cấu trúc cân đối hài hòa đã khiến cho bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du được nâng lên mẫu mực cổ điển.
– Đằng sau sự thành công của bút pháp tả cảnh ngụ tình ấy là một trái tim yêu thương vô hạn với con người, là sự đồng cảm, sẻ chia xót thương cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh và ngầm tố cáo xã hội bất công đã chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm con người.

Like page facebook Thầy Khôi dạy Văn để có nhiều tài liệu hơn

Categories: Luyện thi Văn 9

LỊCH HỌC CÁC LỚP 2017-2018 TẠI NHÀ THẦY KHÔI

ĐỊA CHỈ HỌC: 211/26 MINH PHỤNG, F9, Q6, HCM

NHẬN HỌC SINH LIÊN TỤC — Đăng kí: 0984346280

Freedom of the press leads to a free society.

Phân tích khổ thơ đầu bài Đoàn thuyền đánh cá – Thầy Khôi dạy Văn viết

13/11/2017 2 comments

“Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khoắn của Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt là ở khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên và đoàn thuyền ra khơi mang một vẻ đẹp kì vĩ, hùng tráng.

               Trước hết, cảnh biển vào đêm được tác giả miêu tả rất đặc sắc:

“Mặt trời xuống biển….lại ra khơi”

Mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống mặt biển. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ và những lượn sóng là chiếc then cài vững chắc. Hình ảnh so sánh kết hợp nhân hóa, mang đậm chất lãng mạn vừa tạo nên vẻ đẹp huyền ảo cho bức tranh thiên nhiên vừa mở ra thời gian cho bức tranh lao động biển cả, đó chính là lúc màn đêm buông xuống – kết thúc một ngày.

               Chính vào thời điểm thiên nhiên bắt đầu trạng thái nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu quá trình lao động của mình:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khoi”

Đoàn thuyền chứ không phải chỉ con thuyền ra khơi đã tạo ra sự tấp nập trên biển, gây ấn tượng về một khối lao động đoàn kết vững chãi của con người. Chữ “lại” vừa khẳng định nhịp điệu lao động ổn định của người dân chài ngày qua ngày, vừa thể hiện sự đối lập giữa sự nghỉ ngơi của đất trời và sự lao động của con người. Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà vẫn đậm chất hiện thực. Người đánh cá căng buồm và cất câu hát lên, thế nhưng nhà thơ có cảm giác như chính câu hát đó đã làm căng cánh buồm. Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn của người lao động trở thành sức mạnh cùng với gió biển làm căng cánh buồm để con thuyền lướt sóng ra khơi. Nghệ thuật ẩn dụ trong hình ảnh thơ lãng mạn này đã góp phần thể hiện một hiện thực. Đó là tâm trạng nao nức, niềm vui phơi phới, tinh thần lạc quan của người dân chài khi ra khơi. Họ ra khơi trong tâm trạng đầy hứng khởi…

Hình ảnh người lao động mới là đề tài quen thuộc của nền văn học hiện đại. Ta đã từng thấy hình ảnh của một anh thanh niên làm công tác khí tượng kiên trì, lặng lẽ trên đỉnh Yên Sơn trong “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long; hay một khát vọng cống hiến nhỏ bé trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Mỗi nhân vật tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh, nhưng họ có chung với nhau tinh thần cống hiến lặng thầm cho Tổ quốc. Đó chính là vẻ đẹp giản dị nhưng rất cao quý của người lao động trong thời đại mới.

Thầy Khôi dạy Văn

So sánh Sông Đà – Sông Hương

Đề 1: Cảm nhận của anh/chị về sự tương đồng và nét độc đáo riêng của hình tượng sông Đà và sông Hương trong hai tác phẩm: “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân) và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

  1. Mở bài

Sông nước quê hương từ lâu đã là mạch nguồn tuôn chảy trong nền văn chương nghệ thuật dân tộc. Trong đó, có lẽ gợi cảm, độc đáo hơn cả là hình tượng sông Đà trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân và hình tượng sông Hương trong bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hình tượng hai con sông ấy dường như đã kết đọng những vẻ đẹp của sông núi quê hương và là những đỉnh cao văn chương của hai nhà tuỳ bút xuất sắc bậc nhất văn đàn.

  1. Thân bài
  2. Sự tương đồng của hai hình tượng

1.1. Sông Đà và sông Hương đều mang những nét đẹp của sự hùng vĩ

  1. Vẻ đẹp hùng vĩ của sông Đà thể hiện qua sự hung bạo dữ dội của nó trên nhiều phương diện :

– Hướng chảy “độc Bắc lưu” …

– Bờ sông dựng vách thành …

– Thác nước dày đặc

– Các hút nước nguy hiểm …

–  Trùng vi thạch thuỷ trận (phần về trùng vi thạch thuỷ trận chỉ gợi sơ qua)

  1. Sông Hương cũng thật hùng vĩ khi đi giữa lòng Trường Sơn

–  Sông Hương là “ bản trường ca của rừng già”  hùng tráng dữ dội “ rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, “cuộn xoáy như cơn lốc …”

–  Ở khúc thượng nguồn ấy, sông Hương đầy hoang dã, phóng khoáng-  như “cô gái Di  – gan phóng khoáng và man dại”, có “ một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”…

1.2. Hai dòng sông đều lấp lánh vẻ đẹp thơ mộng lãng mạn

  1. Sông Đà :

– Dáng vẻ tuôn dài như áng tóc trữ tình…

– Sắc nước thay đổi từng mùa…

– Hội tụ bao vẻ gợi cảm …

  1. Sông Hương :

–  Ở thượng lưu: cũng đã thật trữ tình mĩ lệ “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”

–  Khi về đến đồng bằng sông Hương giống như  “ người gái đẹp nằm ngủ mơ màng” giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức.”

–  Khi vào giữa lòng thành phố Huế sông Hương như“điệu slow tình cảm”- một giai điệu trữ tình chậm rãi dành riêng cho xứ Huế.v.v…

1.3. Hình tượng hai con sông đều được khắc hoạ bằng ngòi bút tài hoa uyên bác: cả hai nhà văn đều đã vận dụng cái nhìn đa ngành, vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực nghệ thuật để khắc hoạ hình tượng. [phân tích cái nhìn điện ảnh, quân sự, hội họa…]

  1. Nét độc đáo của mỗi hình tượng

2.1. Hình tượng sông Đà :

– Được tô đậm nhất ở nét hung bạo dữ dội – tập trung rõ nét nhất ở hình ảnh trùng vi thạch thuỷ trận: đầy tướng đá, quân nước, hàng tập đoàn cửa tử …

–  Sông Đà được cảm nhận chủ yếu thông qua lăng kính nghiêng về sự phi thường khác lạ: tiếng nước như tiếng rống ngàn con trâu mộng giữa rừng luồng nứa nổ lửa; đá trên sông như những tên tướng mặt gỗ ngược …

–  Sự hung bạo dữ dội của Đà giang đã làm cái nền thể hiện tài hoa trí dũng của người lái đò sông Đà

2.2. Hình tượng sông Hương :

–  Được tô đậm nhất ở nét lãng mạn nữ tính –  sông Hương luôn mang dáng vẻ một người gái đẹp, say đắm tình yêu: “cô gái Di  -gan phóng khoáng…”;  “ người gái đẹp nằm ngủ mơ màng”; “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya; sông Hương như nàng Kiều trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa… ; trong đời thường sông Hương  “làm một người con gái dịu dàng của đất nước”.

–  Sông Hương được nhìn chủ yếu qua lăng kính tình yêu:

+ Xuôi về phía thành phố là “một cuộc tìm kiếm có ý thức” người tình nhân đích thực của một người con gái đẹp

+ Khi vào giữa lòng thành phố Huế sông Hương “mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”…,

+ Trước khi đổ ra cửa biển, Sông Hương như người con gái dùng dằng chia tay người yêu với ” nỗi vương vấn , cả một chút lẳng lơ kín đáo …

– Thông qua hình tượng Hương giang mang đậm chất nữ tính ấy, nhà văn đã thể hiện được vẻ đẹp lãng mạn trữ tình thơ mộng của đất trời và con người xứ Huế .

  1. Đánh giá chung

–  Qua những vẻ đẹp tương đồng của sông Đà và sông Hương cho thấy sự gặp gỡ của hai ngòi bút ở tình yêu thiên nhiên tha thiết và niềm tự hào đối với non sông đất nước.

– Những nét riêng ở hình tượng sông Đà và sông Hương thể hiện tài năng văn chương độc đáo của mỗi nhà văn

Thầy Khôi dạy Văn

211/26 Minh Phụng, F9, Q6. Nhận học sinh luyện thi 12 liên tục. — 0984346280 —-